Header Ads

Xu hướng mới
recent

Cách kiểm tra màn hình zin hay lô khi mua iPhone cũ

iPhone 7 và iPhone 7 Plus đã về Việt Nam. Vì thế các dòng iPhone cũ hơn giá cũng giảm dần theo từng ngày. Đây là thời điểm tốt để các bạn mua một chiếc iPhone đã qua sử dụng nhưng giá thành thấp. Nhưng mua iPhone cũ đã qua sử dụng không phải đơn giản. Khi mua iPhone cũ bạn phải kiểm tra rất nhiều thứ, trong đó màn hình là một thứ rất quan trọng. Làm sao để biết màn hình chiếc iPhone đó có zin hay thay màn hình lô vào ?

Thế nào là "màn hình Zin" và "màn hình Lô"? 

Màn hình zin là màn hình chính hãng của nhà sản xuất Apple, với chất lượng cực tốt cùng màu sắc hiển thị trên màn hình đẹp hơn hàng lô - không phải do Apple cung cấp. Tất nhiên, sản phẩm chính hãng được đảm bảo về chất lượng sẽ có giá cao hơn hàng nhái ngoài thị trường.

Màn hình lô là màn hình nhái, có giá thành thấp hơn màn hình zin, với nhiều loại màn lô có chất lượng từ trung bình đến cao cấp. Tuy nhiên, dù có cao cấp đến mấy thì màn hình lô cũng không thể nào đạt chất lượng cao như màn hình zin.



Màn hình là thứ dễ tháo và thay thế nhất trên một chiếc iPhone

Cách kiểm tra màn hình zin hay lô khi mua iPhone cũ

1. Kiểm tra ngoại hình bên ngoài


Trước hết, khoan mở nguồn lên, hãy quan sát kỹ phần xung quanh mép, nơi tiếp xúc giữa màn hình và vỏ. Nếu là màn hình zin và chưa bị tháo ra thay thế, các cạnh này luôn kín, không bị hở vì chất lượng gia công của Apple cực kỳ tốt.

Ở màn hình lô, hay màn hình đã bị sửa chửa là loại không được gia công tốt như hãng, nên khi ráp vào sẽ bị cong vênh gây hở mép, không đồng đều giữa phần tiếp xúc. Phần này các bạn chỉ cần để ý kỹ một chút là có thể nhận biết ngay.



Màn hình lô thường bị hở giữa chỗ tiếp xúc khi ráp vào

Tới phần màn hình, có rất nhiều điểm cần lưu ý. Với màn hình zin chính hãng do Apple sản xuất bằng các chất liệu cao cấp, nếu nhỏ nước lên bề mặt giọt nước sẽ tụ lại một điểm. Còn với màn hình lô, do đây là hàng kém chất lượng nên chất liệu sẽ không tốt. Khi nhỏ giọt nước lên màn hình, giọt nước sẽ lập tức loang ra chứ không tụ lại một điểm.

Bạn cũng có thể kiểm tra bằng băng dính. Hãy dán thử một lớp lên màn hình, khi bóc ra nếu gỡ một cách trơn tru dễ dàng thì đó là màn hình zin. Còn khi bóc ra một cách khó khăn và màn hình còn dính lại một ít keo từ băng dính thì chắc chắn màn hình đó là hàng kém chất lượng.


Minh hoạ bên trái là màn hình lô, bên phải là màn hình zin
Mặt khác, với màn hình zin sẽ mỏng. Khi để ngang sẽ không quá nhô cao so với viền. Còn màn hình đã thay thế hay ép lại kính sẽ nhô cao hơn khi ấn vào có cảm giác lún, ọp ẹp, không chắc chắn như màn hình zin.

Khi búng ngón tay khắp màn hình thì màn hình zin sẽ có âm đục và đều, còn khi búng ngón tay trên màn hình lô âm thanh phát ra không đều; âm cao âm thấp do lớp keo bị phủ chỗ dày chỗ mỏng. Điều này cũng khó nhận biết nếu là người ít kinh nghiệm.

Với màn hình zin màu trắng, màu sẽ là màu trắng sứ đục, còn với màn hình lô thì màn có xu hướng hơi ngả vàng. Về phần phím Home của máy, nếu máy đã thay thế màn hình kém chất lượng, phím Home cũng lún sâu xuống, khi vuốt hoặc ấn vào sẽ có cảm giác khá cấn tay chứ không êm như màn hình zin chưa qua sửa chữa.

2. Kiểm tra cảm ứng, cảm biến, điểm chết


Kiểm tra cảm ứng: Đầu tiên, khi đang ở giao diện màn hình chính. Ấn và giữ 1 icon bất kỳ và di chuyển đều khắp màn hình để kiểm tra cảm ứng của màn hình, phải chắc chắn rằng mọi điểm trên màn hình cảm ứng đều bình thường. Nếu trong quá trình di chuyển mà icon này bị tuột ra là do có chỗ nào đó trên màn hình bị liệt cảm ứng.

Sau đó, mở ứng dụng tin nhắn lên, thử gõ chữ trên bàn phím đó, gõ thật nhanh xem chữ hiện ra có đầy đủ hay không, màn hình lô sẽ không đủ nhạy để nhận hết được chữ khi bạn gõ nhanh. Thực hiện các thao tác chạm đa điểm trên màn hình như zoom lớn nhỏ bằng 2 ngón tay, xóa 3 ứng dụng chạy ngầm bằng 3 ngón tay cùng 1 lúc để xem thao tác đa điểm trên màn hình có tốt không.

Hãy thử đi thử lại vài lần để chắc chắn rằng cảm ứng của màn hình hoạt động tốt. Kiểm tra kỹ phần gần viền màn hình và các góc của màn hình - nơi dễ bị liệt cảm ứng màn hình nhất.



Ấn giữ và di chuyển icon bất kỳ để kiểm tra cảm ứng
Sau đó hãy tăng độ sáng màn hình hết mức. Xem xét thật kỹ màu sắc của màn hình. Với một màn hình zin sẽ cho màu sắc tốt, không bị bệt màu và góc nhìn sẽ rất tốt, khi nghiên màn hình với một góc lớn thì vẫn nhìn thấy được chi tiết của hình ảnh.

Ngoài ra, hãy tìm một góc tối và xem kỹ phần viền màn hình tiếp xúc với khung. Một số máy khi thay màn hình lô sẽ không được khít và gây hở sáng ở viền.


Một chiếc iPhone bị hở sáng ở viền màn hình

Kiểm tra điểm chết, hở sáng: Bạn có thể kiểm tra điểm chết trên iPhone bằng cách vào mạng và tải về các bức ảnh màu và xem ở chế độ toàn màn hình. Tốt nhất là 2 màu trắng, đen và nếu kỹ lưỡng hãy tải thêm 3 màu cơ bản là xanh dương, vàng và đỏ để kiểm tra độ hiển thị màu.

Trước hết, xem ở 2 màu trắng và đen. Nếu có điểm chết thì sẽ trên màn hình sẽ hiển thị điểm màu khác thường, có thể rất nhỏ nên chúng ta cần soi thật kỹ. Và trong lúc để hiển thị màu đen, chú ý kỹ phần màn hình gần viền để xem màn có bị hở sáng hay không. Màn hình lô hay đã bị ép kính thường hay bị hở sáng ít hay nhiều tùy vào tay nghề của thợ và chất lượng gia công của màn hình.

Tiếp đến mở xem ở 3 màu cơ bản để kiểm tra độ hiện thị màu, xem chúng có bị lệch màu so với thực tế không, nghiêng màn hình để xem hiển thị tốt không,... Một màn hình tốt và chuẩn zin thì màu sắc sẽ đều, không loang ố hay có những vết bầm màu khác thường trên màu xung quanh.


Màn hình bị hở sáng và bầm màu

Kiểm tra cảm biến ánh sáng: Bạn hãy thực hiện 1 cuộc gọi và lấy tay che vào phần cảm biến ánh sáng nằm phía trên loa thoại. Nếu máy tắt màn hình tức là cảm biến ánh sáng của máy vẫn bình thường. Hãy thử đi thử lại vài lần để chắc chắn rằng cảm biến này còn hoạt động tốt và ổn định. Nếu có vấn đề thì cũng đừng nên lựa chọn chiếc điện thoại này

Đó chỉ là một số mẹo nhỏ để phân biệt màn hình. Nhưng tốt nhất, bạn nên tìm một nơi thật sự uy tín và có thể tin tưởng được, cùng với chế độ bảo hành hợp lý. Một số cửa hàng ghi trong phiếu bảo hành là "bảo hành toàn bộ máy" nhưng không bảo hành nguồn và màn hình. Hãy là một người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn sản phẩm của bạn sẽ sử dụng.

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.